Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 2462

  • Tổng 17.943.776

Những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật Tố cáo

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Luật Tố cáo được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2011 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2012. So với Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, Luật Tố cáo đã có nhiều quy định mới về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tố cáo, bảo vệ, khen thưởng người tố cáo…


 

Các quy định của Luật Tố cáo đã góp phần bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, ổn định tình hình kinh tế xã hội. Tuy nhiên, qua hơn một năm triển khai, Luật Tố cáo cũng đã bộc lộ một số bất cập, dẫn đến những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện, đòi hỏi cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
 
Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết tố cáo: Khoản 1 Điều 12 Luật Tố cáo quy định “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết”. Tuy nhiên, thực tế với nhiều vụ việc cụ thể, việc áp dụng xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo theo quy định còn chưa thống nhất, còn có những vướng mắc do xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo tại thời điểm tố cáo hay tại thời điểm người bị tố cáo thực hiện hành vi bị tố cáo. Cụ thể như xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong các trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác; cơ quan, tổ chức, đơn vị có người bị tố cáo công tác đã giải thể hoặc sát nhập sang đơn vị mới; cán bộ, công chức đã về hưu nhưng bị tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật lúc đương nhiệm; hoặc trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức tại thời điểm cán bộ, công chức đó giữ chức vụ thấp nhưng tại thời điểm tố cáo, cán bộ, công chức này đã giữ chức vụ cao hơn, ví dụ như người bị tố cáo là Chủ tịch UBND cấp xã đã được bổ nhiệm lên Chủ tịch UBND cấp huyện thì người có thẩm quyền giải quyết tố cáo là Chủ tịch UBND cấp huyện hay là Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
 
Ngòai ra, Khoản 2 Điều 13 Luật Tố cáo quy định “Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp”. Khái niệm “bổ nhiệm, quản lý trực tiếp” trong quy định này dẫn đến cách hiểu khác nhau, chẳng hạn đối với cán bộ, công chức thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thì ai là người có thẩm quyền giải quyết. Điều này gây ra lúng túng trong cách hiểu và xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo, do đó cần có các quy định hướng dẫn cụ thể.
 

Ảnh minh hoạ

Thứ hai, về thời hiệu tố cáo: Thực tế hiện nay có nhiều tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật đã diễn ra từ lâu, không còn tính nguy hiểm cho xã hội nhưng cơ quan nhà nước vẫn thụ lý và xem xét, giải quyết. Điều này gây tốn kém, lãng phí trong quá trình giải quyết tố cáo. Pháp luật hiện hành không quy định về thời hiệu tố cáo hành chính. Do vậy, cần phải nghiên cứu để có quy định về thời hiệu tố cáo hành vi vi phạm pháp luật (chưa phải là tội phạm) trong lĩnh vực hành chính để phù hợp với pháp luật hình sự và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Thứ ba, về thời hạn giải quyết tố cáo: Điều 21 Luật Tố cáo quy định thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo. Trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày. Như vậy, theo quy định này thì thời hạn giải quyết tố cáo ít nhất là 60 ngày và nhiều nhất là 150 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo. Tuy nhiên, thực tế qua khảo sát, nắm tình hình ở nhiều địa phương, bộ ngành, cho thấy có nhiều vụ việc tố cáo có nội dung phức tạp, phải xác minh tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhiều địa phương, đó đó, việc giải quyết tố cáo theo đúng thời hạn quy định gặp nhiều khó khăn. Thiết nghĩ cần phải có quy định cụ thể về thời hạn giải quyết tố cáo, đặc biệt nới rộng thời hạn giải quyết tố cáo đối với những vụ việc tố cáo phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, ngành đảm bảo việc giải quyết tố cáo phù hợp hơn với thực tiễn.
 
Thứ tư, về tố cáo tiếp: điểm b, c Khoản 2 Điều 27 Luật Tố cáo quy định “Trường hợp việc giải quyết tố cáo của người đứng đầu cấp dưới trực tiếp là đúng pháp luật thì không giải quyết lại, đồng thời thông báo cho người tố cáo về việc không giải quyết lại và yêu cầu họ chất dứt việc tố cáo; Trường hợp việc giải quyết tố cáo của người đứng đầu cơ quan cấp dưới trực tiếp là không đúng pháp luật thì tiến hành giải quyết lại...”. Tuy nhiên, trên thực tế rất khó để xác định được “việc giải quyết tố cáo của người đứng đầu cấp dưới trực tiếp là không đúng pháp luật” hoặc “việc giải quyết tố cáo của người đứng đầu cơ quan cấp dưới trực tiếp là không đúng pháp luật” nếu như không xác minh, xem xét vụ việc cụ thể đó. Mặt khác, Điều 27 cũng quy định chỉ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp phải xác định được vụ việc đó được giải quyết đúng pháp luật hoặc là không đúng pháp luật là khó khả thi trên thực tế. Thực tế có rất nhiều địa phương đã vi phạm về thời hạn này. Do đó, cần phải có quy định hướng dẫn cụ thể về vấn đề này theo hướng quy định cụ thể mức độ xem xét vụ việc như thế nào để xác định được vụ việc đó đã được giải quyết đúng hay không đúng pháp luật, quy định thời hạn mang tính linh động hơn.
 
Thứ năm, về bảo vệ người tố cáo: Việc bảo vệ người tố cáo đã được Luật Tố cáo và Nghị định số 76/20012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo quy định. Tuy nhiên, quy định “khi có căn cứ cho rằng việc tố cáo có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, xâm hại đến tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm...” còn rất chung chung, khó xác định ở chỗ những biểu hiện nào, hành vi nào thì được coi là có căn cứ. Ngoài ra, chưa có quy định cụ thể về việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc bảo vệ người tố cáo cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các quy định về bảo vệ người tố cáo chưa thật sự đi vào cuộc sống, chưa thật sự tạo nên thiết chế khiến người tố cáo yên tâm, dẫn đến vẫn còn tố cáo nặc danh, mạo danh nhiều. Do đó, cần phải quy định cụ thể về các căn cứ đó cũng như trách nhiệm phối hợp cụ thể để thực sự bảo vệ được người tố cáo.
 
Điều 22 Luật Tố cáo quy định người giải quyết tố cáo có thể giao cơ quan thanh tra cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân để xác minh nội dung tố cáo. Để giữ bí mật thông tin của người tố cáo, Luật quy định văn bản giao xác minh không có nội dung về họ tên, địa chỉ của người tố cáo. Tuy nhiên, Luật cũng quy định người được giao xác minh nội dung tố cáo có quyền yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo. Như vậy gây khó khăn cho người được giao xác minh do không biết về người tố cáo để yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo.
 
Thứ sáu, về tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ: Pháp luật tố cáo không quy định cụ thể đối với xử lý đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ, nếu như đơn có nội dung rõ ràng, người tố cáo đã cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu hoặc các bằng chứng khác được kiểm chứng xác thực thì cơ quan có thẩm quyền có thể thụ lý để giải quyết nhằm bảo vệ lợi ích công bằng và đáp ứng yêu cầu phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật. Trên thực tế nhiều vụ việc tố cáo không rõ họ, tên địa chỉ, bút tích của người tố cáo vẫn được một số cơ quan xem xét, giải quyết hoặc một số trường hợp thì không xem xét. Thực tiễn trên gây ra sự thiếu thống nhất trong hoạt động áp dụng pháp luật. Thiết nghĩ, cũng đã đến lúc Nhà nước ta cần công nhận đối với tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ nhằm đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị phát hiện và xử lý, đặc biệt đối với những hành vi tham nhũng.
 
Thứ bảy, về khen thưởng người tố cáo: Luật Tố cáo cũng đã quy định về khen thưởng người tố cáo nhưng mức khen thưởng đối với cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo cũng còn chưa tương xứng với công sức, trách nhiệm thu thập thông tin, tài liệu để phát hiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt mức khen thưởng đối với tố cáo hành vi tham nhũng được quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2011/TTLT-BNV-TTCP ngày 6/5/2011 của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ. Pháp luật cũng cần phải điều chỉnh mức khen thưởng đảm bảo khuyến khích người dân phát hiện hành vi vi phạm pháp luật và báo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
 
Tám là, về vấn đề xử lý hành vi vi phạm pháp luật tố cáo: Việc xử lý hành vi vi phạm các quy định pháp luật về tố cáo theo quy định tại Điều 46, 47 và Điều 48 Luật Tố cáo còn gặp nhiều khó khăn. Pháp luật hiện nay còn thiếu các quy định cụ thể về việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực tố cáo. Vì vậy, các cơ quan còn lúng túng, khó khăn khi xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định pháp luật về tố cáo. Trong thời gian tới, Chính phủ cần ban hành Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo làm cơ sở đấu tranh, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, nhất là đối với các đối tượng lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối an ninh trật tự, xúc phạm cán bộ, công chức, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các cơ quan nhà nước./.
Ths. Hồ Thị Thu An
Thanh tra viên Vụ Pháp chế, TTCP
Nguồn: thanhtravietnam.vn (18/02/2014)

Các tin khác