Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 1533

  • Tổng 17.928.502

Tiêu chí nhận diện các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài về thi hành án dân sự

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Hiện nay theo quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo nói chung và khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự nói riêng đều chưa có khái niệm và các tiêu chí để phân loại việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Trong khi đó, các việc khiếu nại, tố cáo thuộc loại này luôn biến động tăng, giảm, cần rà soát, phân loại để có biện pháp giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo.

Thời gian qua nhiều địa phương cho thấy cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã không xác định được vụ việc khiếu nại, tố cáo nào là vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài về thi hành án. Có địa phương đương sự khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài nhưng lại không đưa vụ việc vào danh sách các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Ngược lại, có địa phương vụ việc đã được giải quyết, đương sự không còn khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài nhưng vẫn đưa vụ việc vào danh sách các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài dẫn đến báo cáo không chính xác số lượng các vụ việc. Do đó, cần phải thống nhất tiêu chí xác định các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài, giúp địa phương xác định đúng đắn, tập hợp đầy đủ và chính xác các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài hàng quý.
 

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Sau đây là 03 quan điểm, gợi ý về tiêu chí xác định các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài về thi hành án để cùng trao đổi, thống nhất như sau: 
1. Theo Công văn số 1151/TCTHADS-GQKNTC ngày 25/6/2012 của Tổng cục Thi hành án dân sự
Tổng cục Thi hành án dân sự  đã có Công văn số 533/GQKNTC-TCTHADS ngày 28/02/2011 thống nhất đầu mối tiếp nhận các báo cáo của địa phương về nội dung này là Tổng cục Thi hành án dân sự.
Đến ngày 25/6/2012 Tổng cục Thi hành án dân sự có Công văn số 1151/TCTHADS-GQKNTC chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất thực hiện chế độ báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo yêu cầu tại Công văn số 533/GQKNTC-TCTHADS và yêu cầu của Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tại Mẫu báo cáo kèm theo Công văn số 1151/TCTHADS-GQKNTC ngày 25/6/2012 của Tổng cục Thi hành án dân sự đã bước đầu đưa ra hai tiêu chí:
Một là, về thẩm quyền, kết quả giải quyết: vụ việc đã được các Cơ quan thi hành án dân sự giải quyết khiếu nại, tố cáo giải quyết hay chưa (giải quyết hai lần hoặc một lần).
Hai là, về tình trạng khiếu nại, tố cáo
Hiện đương sự có tiếp tục khiếu nại, tố cáo hay không.
Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phải thỏa mãn cả hai tiêu chí nêu trên thì mới được phân loại là vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài. 
2. Tiêu chí nhận diện được thể hiện ở tính chất của vụ việc khiếu nại, tố cáo
Thứ nhất, khiếu nại, tố cáo bức xúc:
Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan liên tục có đơn khiếu nại, công dân có đơn tố cáo hoặc thường xuyên đến địa điểm tiếp công dân của cơ quan thi hành án các cấp và các ngành chức năng từ trung ương đến địa phương để khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình; tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Tính chất bức xúc thể hiện ở việc liên tục có đơn thư khiếu nại, tố cáo
Thứ hai, khiếu nại, tố cáo có tính chất phức tạp:
a) Vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc tổ chức thi hành Bản án, quyết định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự mà có nhiều người phải thi hành án hoặc liên quan đến nhiều vụ việc thi hành án khác nhau;
b) Vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc Bản án, quyết định tuyên không rõ;
c) Vụ việc khiếu nại, tố cáo do còn có các ý kiến khác nhau giữa các ngành, các cấp, chính quyền địa phương và cơ quan Thi hành án dân sự;
d) Vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa giải quyết được do cần phải xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ của cấp trên;
đ) Vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo theo đúng quy định pháp luật, đã có hiệu lực thi hành nhưng không tổ chức thi hành được do có khó khăn, vướng mắc (có thể về các quy định pháp luật, có thể do đặc thù tình hình chính trị của địa phương, do sai lệch giữa thực tế thi hành án và bản án, các giấy tờ có liên quan…những trường hợp này chưa biết thời hạn cụ thể nào giải quyết xong).
Thứ ba, khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài:
Loại khiếu nại, tố cáo này phải thỏa mãn cả hai điều kiện sau thì mới được phân loại là việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài:
- Việc tồn đọng kéo dài theo thẩm quyền, kết quả giải quyết:
a. Việc khiếu nại, tố cáo đã được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự giải quyết theo quy định pháp luật nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo:
Vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự giải quyết theo quy định pháp luật, cơ quan thi hành án thực hiện đúng quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo; hoặc quyết khiếu nại, kết luận tố cáo không được cơ quan thi hành án tổ chức thi hành hoặc tổ chức thi hành chưa đúng hoặc không tổ chức thi hành được do có những khó khăn, vướng mắc.
b. Trước đây đã giải quyết nhưng việc giải quyết chưa đúng quy định của pháp luật:
 Vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo nhưng việc giải quyết chưa đúng quy định của pháp luật (chưa giải quyết đúng về nội dung, hình thức hoặc chưa giải quyết đúng về thẩm quyền, ví dụ về việc giải quyết không đúng trình tự thủ tục, hình thức giải quyết khiếu nại, tố cáo như ra công văn trả lời khiếu nại, tố cáo nên đương sự liên tục có đơn khiếu nại, tố cáo). 
c. Đã quá thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật nhưng Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chưa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo.
- Việc tồn đọng kéo dài liên quan đến thời gian (thời điểm cơ quan thi hành án có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo nhận được đơn khiếu nại, tố cáo):
Các việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài theo thẩm quyền, kết quả giải quyết nêu trên được cơ quan thi hành án có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo nhận đơn trong kỳ báo cáo (trong trường hợp này, kỳ báo cáo được xác định theo quý vì theo quy định hiện nay hàng quý các Cục thi hành án dân sự địa phương phải báo cáo các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài về thi hành án dân sự) hoặc vụ việc tồn từ quý trước chuyển sang.
3. Tiêu chí nhận diện được thể hiện ở kết quả và thẩm quyền giải quyết
Theo quan điểm này, nhận diện các vụ việc khiếu nại, tố cáo không phải theo tính chất vụ việc khiếu nại, tố cáo như trên đã phân tích. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài chỉ là tên gọi phân biệt với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thông thường về thi hành án dân sự. Theo đó, vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài là việc khiếu nại, tố cáo thuộc một trong các trường hợp sau:
3.1. Vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật nhưng người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo liên tục có đơn khiếu nại, tố cáo trong kỳ báo cáo thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết và thực hiện đúng quy định của pháp luật;
b) Vụ việc đã có văn bản chỉ đạo giải quyết của cơ quan có thẩm quyền cấp trên yêu cầu thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo nhưng chưa được các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện, hoặc thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ hoặc có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
3.2. Vụ việc khiếu nại, tố cáo đã có quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo có hiệu lực thi hành nhưng có căn cứ cho rằng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đúng với quy định của pháp luật (vụ việc được Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, giải quyết theo điểm b khoản 4 Điều 142 Luật Thi hành án dân sự; điểm c khoản 2 Điều 27 Luật tố cáo năm 2011).
3.3.Vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được xem xét, giải quyết hoặc chưa được giải quyết hết trình tự luật định nên người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo liên tục khiếu nại, tố cáo trong kỳ báo cáo.
Trên đây là ba quan điểm về tiêu chí về xác định các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài để giúp cho cơ quan giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra chuyên ngành  áp dụng thống nhất phục vụ quản lý, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài về thi hành án dân sự./.
Ths. Trần Văn Duy
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Nguồn: thanhtravietnam.vn (01/04/2014)

Các tin khác