Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 2682

  • Tổng 17.943.996

Công tác thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh, thực trạng và giải pháp.

Xem với cỡ chữ : A- A A+

1. Thực trạng
Trong những năm qua, công tác thanh tra trách nhiệm thủ trưởng nói chung và thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng đã được tiến hành thường xuyên theo kế hoạch thanh tra hàng năm đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Quy trình và nội dung thanh tra được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2012/TT-TTCP ngày 13/7/2012 của Thanh tra Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, công tác thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng về phòng, chống tham nhũng hiệu quả chưa cao. Các đơn vị được thanh tra chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, thể hiện ở các nội dung sau:
Thứ nhất, việc xây dựng chương trình, kế hoạch phòng chống tham nhũng có một số đơn vị chưa xây dựng hoặc có xây dựng nhưng còn mang tính hình thức, chưa triển khai thực hiện một cách có hiệu quả, chưa tổ chức đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch theo đúng quy định tại Khoản 2, Điều 12, Thông tư số 02/2012/TT-TTCP ngày 13/7/2012 của Thanh tra Chính phủ nên hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng chưa cao.
Thứ hai, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các đơn vị được thanh tra đều báo cáo đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan, đơn vị hoặc thực hiện lồng ghép trong các cuộc họp, các hội nghị nhưng nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều hạn chế.
Thứ ba, việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức có một số đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc, có đơn vị chưa xây dựng kế hoạch chuyển đổi, có đơn vị đã xây dựng nhưng thực hiện chưa nghiêm túc, có những vị trí công tác nhạy cảm, có nhiều đơn thư phản ánh nhưng thời gian giữ chức vụ đến tận 8 năm không chuyển đổi trong khi đó luật quy định thời gian từ 2 đến 5 năm; đây cũng là một trong những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng nếu không thực hiện một cách nghiêm túc và đúng quy định.
Thứ tư, việc kê khai tài sản, thu nhập còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Người tổ chức kê khai cũng như người có nghĩa vụ kê khai chưa thực sự quan tâm đến công tác công khai, minh bạch tài sản dẫn đến việc kê khai chưa đúng theo quy định; lập danh sách đối tượng kê khai thiếu; hầu hết các bản kê khai được kiểm tra đều thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu chính xác mặc dù hàng năm, Thanh tra tỉnh đều có văn bản hướng dẫn và trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn công tác kê khai tài sản, thu nhập tại các đơn vị nhưng khi thanh tra trách nhiệm vẫn còn nhiều sai sót.
Thứ năm, theo tôi đây là vấn đề then chốt dẫn đến chất lượng, hiệu quả thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong phòng, chống tham nhũng hiệu quả còn thấp đó là nội dung thanh tra theo hướng dẫn mới chỉ tập trung ở vấn đề công khai các trình tự, thủ tục chứ chưa đi sâu vào từng nội dung cụ thể. Do đó, khó phát hiện sai phạm để xử lý về kinh tế và hành chính. Đối tượng thanh tra trách nhiệm chỉ tập trung Thủ trưởng các sở, ngành, các huyện, thành phố…chứ chưa có Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước…
2. Kiến nghị các giải pháp:
Để công tác thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng ngày càng có hiệu quả hơn, góp phần phòng ngừa, đẩy lùi nạn tham nhũng, xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung tuyên truyền phải đa dạng, phong phú, cụ thể, dễ hiểu hơn; người truyền đạt phải có kinh nghiệm, có kỹ năng sư phạm để pháp luật dễ đi vào lòng người hơn, tránh tình trạng chỉ đọc nguyên văn văn bản gây nên sự nhàm chán, hiệu quả không cao.
Thứ hai, cần phối hợp thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng với thanh tra công vụ nhằm nâng cao trách nhiệm và kết quả thực hiện công vụ, nhiệm vụ của lãnh đạo cũng như cán bộ, công chức nói chung và công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng nói riêng trên địa bàn toàn tỉnh; kịp thời phát hiện các sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các sai phạm, đề ra các biện pháp khắc phục; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực thi công vụ của cán bộ, công chức; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thứ ba, cần hoàn thiện và có cơ chế mở đối với các nội dung thanh tra trách nhiệm theo quy định tại Thông tư số 02/2012/TT-TTCP ngày 13/7/2012 của Thanh tra Chính phủ để Đoàn thanh tra có thể đi sâu vào kiểm tra các hồ sơ, chứng từ kế toán, hồ sơ tuyển dụng cán bộ… để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra trách nhiệm.
Thứ tư, mở rộng đối tượng thanh tra trách nhiệm đến các doanh nghiệp nhà nước, vì trên thực tế hiện nay, việc thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Thứ năm, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần tổ chức các giải pháp phòng ngừa tham nhũng một cách có hiệu quả. Đối với trong ngành: Tiếp tục rà soát các văn bản quản lý, các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, quy chế chi tiêu nội bộ để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đúng quy định. Công khai, minh bạch, dân chủ trong cơ quan, tiếp tục cải cách hành chính, cam kết chống phiền hà, sách nhiễu, giữ vững 5 điều kỷ luật của ngành Thanh tra, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, kê khai minh bạch tài sản, thu nhập. Tăng cường thực hiện quy chế Đoàn thanh tra và quy chế kiểm tra, giám sát Đoàn thanh tra, văn hoá ứng xử thanh tra, tăng cường kiểm tra nội bộ, thực hiện nghiêm thông tư về phòng chống tham nhũng trong ngành Thanh tra.
Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí, nhất là tập trung vào các lĩnh vực quản lý yếu kém, cơ chế quản lý sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng như: quản lý đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản, việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang các loại đất khác, về đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước, mua sắm, sử dụng tài sản công, lĩnh vực quản lý thuế. Thanh tra là để uốn nắn, nhưng phát hiện dấu hiệu tham nhũng thì phải kiên quyết xử lý. Quan tâm giải quyết các khiếu nại, tố cáo, nhất là những khiếu nại, tố cáo có nội dung tham nhũng thì phải chỉ đạo quyết liệt.
Hi vọng rằng từ thực trạng và những kiến nghị, đề xuất như trên, công tác thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới sẽ đạt hiệu quả cao hơn.


Mai Trang
 

Các tin khác