Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 2623

  • Tổng 17.943.937

Thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong thời qua. Nguyên nhân và một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong thời gian tới.

Xem với cỡ chữ : A- A A+

           Tham nhũng là một hiện tượng xã hội tiêu cực, ăn sâu bám rễ trong mọi chế độ xã hội, không phân biệt chế độ chính trị, nước giàu hay nghèo, phát triển hay kém phát triển. Một số nơi trên thế giới, tham nhũng làm "suy kiệt cơ thể" xã hội, gây xáo trộn, mất ổn định chính trị. Ở Việt Nam, tham nhũng có những đánh giá cho là đang trở thành quốc nạn, là những lực cản nặng nề nhất cho sự phát triển, là một tệ nạn có nguy cơ đe dọa sự tồn vong của quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, những kinh nghiệm, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng có ý nghĩa hết sức quan trọng, thực sự là những “di sản” có giá trị đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc. 

1. Thực trạng công tác PCTN trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua
Trong những năm qua, công tác đấu tranh PCTN trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được quan tâm chú trọng, với sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý thức trách nhiệm cao của các cấp, các ngành trong tỉnh, sự cố gắng của các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan báo chí, truyền thông và nhất là vai trò quan trọng của quần chúng, nhân dân, công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Cán bộ, công chức cỏ bản có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững phẩm chất, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, ổn định và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế.
- Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, từ 2016 đến 2018, ngành Thanh tra đã chuyển hồ sơ nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra làm rõ. Cụ thể:
Năm 2017, UBND huyện Bố Trạch đã chuyển 02 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Công an huyện Bố Trạch để điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật. Đó là vụ Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch và vụ thanh tra công tác quản lý tài chính tại Phòng Y tế huyện Bố Trạch;
Năm 2018, UBND thị xã Ba đồn đã chuyển hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Ba Đồn vụ thanh tra đột xuất về công tác quản lý thu, chi tài chính tại Trạm khuyến nông thị xã Ba Đồn và Thanh tra tỉnh đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh vụ thanh tra lại Kết luận thanh tra của Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa tại Công trình Đường giao thông nội vùng Thanh Liên 1, 2 xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa.
- Qua công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng: Năm 2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp của Công an tỉnh đã thụ lý, điều tra 04 vụ, 05 bị can liên quan đến tham nhũng. Trong đó: Khởi tố mới: 03 vụ, 04 bị can, điều tra bổ sung: 01 vụ, 01 bị can; kết thúc điều tra, chuyển Viện kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố: 02 vụ, 02 bị can; hiện đang tiếp tục điều tra: 02 vụ, 03 bị can. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đã thụ lý, truy tố chuyển Toà án xét xử 03 vụ với 04 bị can. Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý 03 vụ với 04 bị cáo, đã xét xử 02 vụ với 03 bị cáo.
Tuy nhiên, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng.
2. Nguyên nhân
Tình hình trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là các nguyên nhân sau:
- Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi bị buông lỏng. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, ở một số nơi chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, còn có biểu hiện nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ.
- Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, thương xuyên thay đổi, còn chồng chéo, mâu thuẩn; chưa minh bạch, chưa xóa bỏ được cơ chế "xin, cho", là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý vốn, tài sản Nhà nước, tổ chức cán bộ, tín dụng, ngân hàng...
- Nhiều quy định của Luật PCTN và các văn bản dưới luật khi triển khai trong thực tiễn đã bộc lộ hạn chế như việc kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức; xử lý trách nhiệm người đứng đầu còn vướng mắc, chưa nghiêm; chuyển đổi vị trí công tác thiếu tính khả thi; trách nhiệm giải trình của người có chức vụ, quyền hạn chưa rõ ràng; công khai minh bạch còn hình thức, đối phó...
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN chưa sâu rộng nên chưa đến được hầu hết các tầng lớp nhân dân; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của xã hội và nhân dân trong PCTN; một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh. Vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội hiệu quả chưa cao.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong thời gian tới
3.1. Tiếp tục tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN đối với cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân
- Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng;
- Mở chuyên mục trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, khuyến khích các sở, ngành, huyện, thành phố, thị xã mở chuyên mục PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên trang thông tin điện tử và thường xuyên cập nhật thông tin. Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường đăng tải, phát thanh, truyền hình các tin, bài, phóng sự… mang nội dung thông tin về PCTN.
3.2. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, lấy hiệu quả của công tác PCTN làm một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực, kết quả công tác.
3.3. Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng
a) Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức
Tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức ở tất cả các ngành, các cấp và trong các lĩnh vực cụ thể theo quy định của Luật PCTN. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật PCTN về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức.
b) Xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn về tài chính và quản lý, sử dụng tài sản công gắn với kết quả thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:
Định kỳ rà soát, bổ sung, sửa đổi những quy định về định mức, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và không còn phù hợp với thực tiễn. Minh bạch hóa các chế độ, định mức tiêu chuẩn sử dụng tài sản công của cán bộ, công chức;
c) Xây dựng quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức:
Tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức trong tất cả các cơ quan, tổ chức; Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng thực thi công vụ của công chức khoa học, khách quan, chính xác, phản ánh đúng năng lực, trình độ, kết quả công tác, phẩm chất, đạo đức làm căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đề bạt, đào tạo bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức; tiếp tục thực hiện các cuộc thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức trong thực thi các nhiệm vụ công vụ trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức theo Nghị định số 158/NĐ-CP ngày 27/10/2007; Nghị định số 150/NĐ-CP ngày 01/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/NĐ-CP của Chính phủ.
- Quan tâm đến công tác quy hoạch, dự nguồn cán bộ, tạo nguồn cán bộ để thay thế, chuyển đổi kịp thời, phù hợp, đúng quy định của pháp luật.
d) Minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức
Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt việc kê khai tài sản, thu nhập hàng năm tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình và chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản và thu nhập theo Nghị định số 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ủa Thanh tra Chính phủ. Quá trình tổ chức thực hiện phải gắn liền với việc mở rộng các biện pháp phòng ngừa như xác minh, kiểm tra, kiểm soát công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.
đ) Nâng cao chế độ trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng:
Tiếp tục nâng cao chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 107/NĐ-CP ngày 22/9/2006; Nghị định số 211/NĐ-CP ngày 19/12/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 107/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; Quy định số 01-QĐ/TU ngày 03/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 Quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách và Nghị định số 211/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 107/2006/NĐ-CP của Chính phủ đối với các đơn vị để xảy ra tham nhũng.
3.5. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử
Triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Chủ động xác định những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao để xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi tham nhũng; Cần tăng cường thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ công vụ, việc thực hiện pháp luật về PCTN của cán bộ, công chức; phối hợp chặt chẽ hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng.
3.6. Tăng cường vai trò giám sát trong công tác PCTN, lãng phí
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đề cao vai trò của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
- Phát huy vai trò của báo chí trong công tác PCTN, lãng phí; các cơ quan, tổ chức có kế hoạch bảo đảm việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về các vụ việc tham nhũng, lãng phí cho các cơ quan báo chí theo đúng quy định của pháp luật.
- Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để phát huy vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong phòng, chống tham nhũng thông qua việc xây dựng và thực hiện văn hóa kinh doanh lành mạnh; phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn và phát hiện kịp thời cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, đòi hối lộ.
Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải tiến hành căn cơ với những bước đi vững chắc. Các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cần đồng thuận, quyết tâm cao và tích cực trong hành động. Từ những kết quả đã đạt được và những kinh nghiệm rút ra trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự tham gia chủ động, tích cực của toàn xã hội, nhất định chúng ta sẽ từng bước đẩy lùi tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức liêm chính; củng cố niềm tin của nhân dân và cộng đồng quốc tế, bảo đảm vững chắc cho ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Hy vọng xã hội sẽ chung tay góp sức để từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng, tạo đà cho sự phát triển nhằm thực hiện thành công mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nguyễn Thị Mai Trang
TTV, Phòng Thanh tra PCTN

 

Các tin khác