Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 4068

  • Tổng 17.910.911

LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG 77 NĂM NGÀNH THANH TRA VIỆT NAM (23/11/1945 – 23/11/2022)

Xem với cỡ chữ : A- A A+

         Cách đây 77 năm, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, đánh dấu sự ra đời của Ngành Thanh tra Việt Nam. Trong suốt 77 năm xây dựng trưởng thành, hoạt động của ngành Thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nhằm giáo dục truyền thống và phát huy niềm vinh dự, tự hào, trách nhiệm và đạo đức cách mạng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thanh tra, ngày 15/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 840/QĐ-TTg lấy ngày 23/11 hàng năm là ngày “Truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam”.

       Trải qua 7 lần đổi tên khác nhau như: Ban Thanh tra đặc biệt, Ban Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, Thanh tra Nhà nước, Thanh tra Chính phủ… dù tên gọi khác nhau nhưng có cùng mục đích hoạt động nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
       Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hoạt động thanh tra đã giúp Trung ương Ðảng và Chính phủ xem xét việc chấp hành chủ trương, chính sách ở bên dưới; ngăn ngừa những lệch lạc có thể xảy ra, đấu tranh chống các tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí, củng cố tốt mối quan hệ trên dưới trong quân đội, mối liên hệ quân dân, góp phần động viên nhân dân ra sức sản xuất, bảo đảm đời sống, huy động sức người, sức của cho tiền tuyến.
       Thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc và chi viện đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 - 1975), công tác thanh tra đã bám sát những nhiệm vụ cấp thiết, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo của Ðảng và Chính phủ trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam.
        Sau khi đất nước thống nhất và đi lên xây dựng CNXH, ở miền Nam, các tổ chức thanh tra nhanh chóng được thành lập, tập trung thực hiện nhiệm vụ chống tiêu cực, chống quan liêu, cửa quyền nhằm phát hiện và xử lý các tiêu cực trong quản lý kinh tế và xã hội.
        Trong công cuộc đổi mới, ngành Thanh tra đã bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đã tập trung thanh tra làm rõ nhiều vấn đề bất cập nảy sinh trong nền kinh tế thị trường. Cùng với việc đẩy mạnh thanh tra phục vụ công cuộc đổi mới, ngành Thanh tra tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra để phù hợp với tình hình mới.
        Cùng với sự trưởng thành và phát triển của Thanh tra Việt Nam, Thanh tra tỉnh Quảng Bình được thành lập năm 1956. Từ khi thành lập đến nay, Thanh tra tỉnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương; là công cụ đắc lực phục vụ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong các thời kỳ cách mạng của tỉnh. Trải qua những thời điểm khác nhau, trong chiến đấu cũng như hòa bình, cán bộ ngành thanh tra luôn thể hiện được vai trò tiên phong trong việc đấu tranh chống mọi tiêu cực; chỉ ra những sai phạm trong quản lý nhà nước của các tổ chức, cá nhân góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Từ ngày tái lập tỉnh đến nay, cán bộ, công chức ngành Thanh tra luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng để hoàn thành những nhiệm vụ mà UBND tỉnh giao. Đã tiến hành trên 2.500 cuộc thanh tra; tập trung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm phục vụ các chương trình kinh tế - xã hội của Tỉnh như: Thanh tra đầu tư xây dựng; quản lý và sử dụng đất đai, tài chính, tín dụng ngân hàng; chương trình 327, 135; các chính sách thuế; chính sách văn hóa - xã hội; An ninh quốc phòng; Dự án nhà ở thương mại; trồng rừng thay thế, thực hiện công tác quản lý và khai thác khoáng sản... Qua thanh tra đã phát hiện các sai phạm về kinh tế và kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Chỉ tính riêng trong năm 2021 đến 31/10/2022, toàn ngành đã phát hiện sai phạm 52.008 triệu đồng, kiến nghị thu hồi 31.115 triệu đồng, số tiền đã thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước 23.435 triệu đồng.

         Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đạt nhiều kết quả: Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo được tập trung giải quyết ngay từ việc tiếp công dân và xử lý đơn ban đầu; việc giải quyết tranh chấp trong nội bộ nhân dân và giữa người dân với cơ quan Nhà nước được tiến hành đúng pháp luật, kỷ cương và có hiệu quả; giảm phát sinh điểm nóng, vụ việc nổi cộm về khiếu nại, tố cáo trong những thời điểm nhạy cảm như: Đại hội Đảng và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, đặc biệt trong những thời điểm xảy ra những vụ việc phức tạp trên địa bàn như giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A, sự cố môi trường biển …
Tuy nhiên vẫn còn một số vụ việc đã được các cơ quan chức năng giải quyết đúng quy trình, đúng pháp luật, hết thầm quyền nhưng công dân vẫn gửi đơn khiếu nại vượt cấp và kéo dài. Thanh tra tỉnh tiếp tục phối hợp tích cực với các cấp, các ngành để tham mưu giải quyết dứt điểm.
         Đội ngũ cán bộ thanh tra tỉnh ngày càng trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Năm 2005 Thanh tra tỉnh có 23 người, trong đó 18 người có trình độ đại học; 12 cán bộ công chức có nghiệp vụ Thanh tra viên trong đó 4 người có nghiệp vụ Thanh tra viên chính, đến năm 2015 Thanh tra tỉnh có 37 người. Do yêu cầu tinh giảm biên chế, năm 2022, Thanh tra tỉnh có 32 người, trong đó có 28 người có trình độ đại học và trên đại học; 28 cán bộ công chức có nghiệp vụ thanh tra, trong đó 01 thanh tra viên cao cấp, 18 thanh tra viên chính, 08 thanh tra viên. Cán bộ Thanh tra đều được đào tạo cơ bản và am hiểu pháp luật, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, vì vậy đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
    Có thể khẳng định rằng, cùng với lịch sử hình thành và phát triển của ngành Thanh tra Việt Nam, Thanh tra tỉnh Quảng Bình đã kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của ngành; tham mưu, giải quyết tích cực, hiệu quả các cuộc khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm; kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng; về sử dụng đất; khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý nhà nước về môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm.
    Có thể nói, chặng đường xây dựng và trưởng thành của Thanh tra Việt Nam trong 77 năm qua rất đáng tự hào. Ngành Thanh tra luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương; sự phối hợp giúp đỡ của các cấp, các ngành; sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động ngành Thanh tra, đặc biệt là sự tin tưởng và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Cùng với sự trưởng thành và phát triển đó, Thanh tra tỉnh Quảng Bình đã có nhiều đóng góp không nhỏ vào lịch sử truyền thống 77 năm qua và sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; nhằm phát huy và bồi đắp thêm truyền thống vẻ vang của ngành, củng cố niềm tin của cấp uỷ Đảng, chính quyền và niềm tin của nhân dân trên địa bàn tỉnh./.

THU THUỶ
 

Các tin khác