Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 137

  • Tổng 17.960.053

Kết quả triển khai Chương trình hành động số 1212/CTr-UBND ngày 03/8/2016 của UBND tỉnh về công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp

Xem với cỡ chữ : A- A A+
        Ngày 16 tháng 5 năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển theo chiều sâu dựa trên tri thức đổi mới, sáng tạo, khoa học và công nghệ cao; trong đó doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. 

        Quán triệt Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, ngày 03/8/2016, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu:
Xây dựng doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững và hội nhập. Đến hết năm 2020, trên địa toàn tỉnh có 7.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có một số doanh nghiệp lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 49-50% GRDP, khoảng 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất lao động xã hội tăng 5%/năm.
         Các yêu cầu tổng quát đã được xác định tại Chương trình hành động này là:
       - Tăng trưởng trên nền tảng phát triển bền vững, tiến bộ, công bằng, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh vững chắc. Thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp trở thành ngành trọng điểm mang tính động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
        - Cải cách hành chính theo hướng phát huy vai trò tích cực của chính quyền điện tử gắn với dịch vụ hành chính công; lấy hiệu quả phục vụ, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo.
       - Doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh phát triển là tạo động lực cho kinh tế phát triển. Cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện, bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, quy mô, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: vốn, tài nguyên, đất đai... và đầu tư kinh doanh.
       - Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần bảo đảm mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật.
         UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng nhiệm vụ của mình rà soát toàn bộ các đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp đến nay chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa xong, giải quyết dứt điểm trong quý III năm 2016. Tăng cường tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng, đồng hành và hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư có thể triển khai thực hiện dự án.
         Tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Quán triệt đến từng cán bộ công chức về cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; chuyển mạnh mẽ theo nguyên tắc nhà nước kiến tạo và lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.
          Thực hiện Chương trình hành động của UBND tỉnh về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Quyết định số 25/2016/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trên địa bàn; theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định và nhiệm vụ do UBND tỉnh giao tại các văn bản nói trên, Thanh tra tỉnh đã tập trung chỉ đạo, quán triệt mục đích của công tác thanh tra, kiểm tra nói chung và đối với doanh nghiệp nói riêng cho toàn thể cán bộ, công chức để kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Nghiêm cấm hành vi lợi dụng quyền thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với các doanh nghiệp.
         Trong 6 tháng cuối năm 2016, Thanh tra tỉnh không tổ chức thanh tra đối với 2 doanh nghiệp đã được cơ quan kiểm tra của Đảng và cơ quan thuế thực hiện nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra; không tiến hành thanh tra tại các doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề liên quan đến du lịch vừa qua bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa tại Hà Tĩnh gây ra; kế thừa số liệu kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng để giảm bớt thời gian làm việc tại các doanh nghiệp.
         Thanh tra tỉnh cũng đã ban hành văn bản đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có chức năng thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2017.
         Có thể khẳng định rằng trong thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh của các cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách trong quản lý; bảo đảm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp của công dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn có những hạn chế nhất định: sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa thật chặt chẽ, thiếu đồng bộ nên đã xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo về nội dung giữa các cơ quan, nhất là giữa cơ quan thanh tra hành chính, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiểm toán Nhà nước và Thanh tra các bộ, ngành đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
        Tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp và phát động khởi nghiệp, Thanh tra tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh tiếp tục quan tâm và tăng cường chỉ đạo về công tác thanh tra, kiểm tra nói chung và thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nói riêng; đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đề nghị các doanh nghiệp có trách nhiệm tăng cường công tác tự thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao ý thực chấp hành pháp luật, thực hiện tốt các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kịp thời khắc phục những vi phạm và thực hiện nghiêm túc các quyết định thanh tra, kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.


BBT