Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 243

  • Tổng 17.960.159

TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT CÓ HIỆU QUẢ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Font size : A- A A+
         Ngày 17/11/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, quy định ngày bầu cử sẽ được tiến hành vào ngày Chủ nhật 23/5/2021. Ngày 14/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 02/CT-TTg về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

         Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu, bầu người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho nguyện vọng và ý chí của Nhân dân tại Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp thì công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của cấp uỷ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
         Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 (sau đây viết tắt là Luật) quy định cụ thể việc công dân thực hiện quyền khiếu nại về danh sách cử tri; khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử; khiếu nại, tố cáo về kiểm phiếu, khiếu nại về kết quả bầu cử như sau:
         Khiếu nại về danh sách cử tri, Điều 33 của Luật quy định: Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu phát hiện có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh, sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
         Khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử, Điều 61 của Luật quy định: Công dân có quyền tố cáo về người ứng cử, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử. Việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị thực hiện như sau:
         -Nếu khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội, thì được gửi đến Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Hội đồng bầu cử quốc gia. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Hội đồng bầu cử quốc gia. Quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia là quyết định cuối cùng.
        -Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp nào thì được gửi tới Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp đó. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng. Quyết định của Ủy ban bầu cử là quyết định, cuối cùng.
        -Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị nhận được theo thẩm quyền.
        Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử. Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì Hội đồng bầu cử quốc gia (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân) quyết định xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.
        Không xem xét, giải quyết đối với những đơn tố cáo không có họ, tên người tố cáo hoặc mạo danh người khác để tố cáo.
Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Ủy ban bầu cử ở huyện, Ủy ban bầu cử ở xã chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết đến Ủy ban thường vụ Quốc hội (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân khóa mới ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân) để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
        Khiếu nại, tố cáo về kiểm phiếu, Điều 75 của Luật quy định: Những khiếu nại, tố cáo tại chỗ về những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc kiểm phiếu do Tổ bầu cử nhận, giải quyết và ghi nội dung giải quyết vào biên bản.
        Trong trường hợp Tổ bầu cử không giải quyết được thì phải ghi rõ ý kiến của Tổ bầu cử vào biên bản giải quyết khiếu nại, tố cáo và chuyển đến Ban bầu cử.
         Đối với khiếu nại về kết quả bầu cử, Điều 87 của Luật quy định: Khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội phải được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội. Khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được gửi đến Ủy ban bầu cử chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày công bố kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
         Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Ủy ban bầu cử có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng.
        Vể thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong bầu cử, các Điều 15, Điều 23, Điều 24, Điều 25 của Luật quy định: Hội đồng bầu cử quốc gia giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội; chuyển giao hồ sơ, khiếu nại, tố cáo liên quan đến những người trúng cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban thường vụ Quốc hội (Khoản 9, Điều 15).
         Ủy ban bầu cử ở tỉnh giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội của Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử; khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Quốc hội do Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử chuyển đến; khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội (Khoản 1, Điều 23).
        Ủy ban bầu cử ở các cấp giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình, Tổ bầu cử; khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình do Ban bầu cử, Tổ bầu cử chuyển đến; khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, việc lập danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình (Khoản 2, Điều 23).
        Ban bầu cử giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử của các Tổ bầu cử và khiếu nại, tố cáo về bầu cử do các Tổ bầu cử chuyển đến; nhận và chuyển đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội; nhận và chuyển đến Ủy ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (Khoản 3, Điều 24).
        Tổ bầu cử giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ bầu cử quy định tại Điều này; nhận và chuyển đến Ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, khiếu nại, tố cáo khác không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổ bầu cử (Khoản 2, Điều 25).
         Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử tùy nội dung và đối tượng cụ thể còn phải thực hiện theo Hướng dẫn số 13-HD/UBKTTW ngày 02/12/2020 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn việc giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp. Theo đó, phải bảo đảm các yêu cầu chung sau đây:
        Thứ nhất, việc giải quyết tố cáo, khiếu nại liên quan đến bầu cử hoặc nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, trách nhiệm, thẩm quyền theo quy định của Đảng và Nhà nước.
        Thứ hai, các tổ chức khi nhận được đơn thư tố cáo, khiếu nại phải phân loại, xử lý đầy đủ, chính xác và kịp thời giải quyết theo đúng quy định; đối với những đơn thư tố cáo, khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết thì chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo, khiếu nại biết.
        Thứ ba, qua giải quyết tố cáo, khiếu nại phải kết luận rõ đúng, sai, khuyết điểm, vi phạm (nếu có); xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
         Thứ tư, trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, ngừng việc xem xét, giải quyết mọi tố cáo, khiếu nại liên quan đến người ứng cử và việc lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp cho đến khi bầu cử xong. Trong trường hợp những tố cáo đã rõ, có đủ cơ sở để kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì báo cáo Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp để báo cáo Hội đồng Bầu cử quốc gia (đối với đại biểu Quốc hội) hoặc thông báo với Ủy ban Bầu cử ở cấp tương ứng (đối với đại biểu HĐND) xem xét, quyết định theo thẩm quyền về việc xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử. Trường hợp tố cáo thuộc thẩm quyền nhưng chưa xem xét, giải quyết được hoặc đang giải quyết nhưng không thể kết thúc trước 10 ngày tính đến ngày bầu cử thì kịp thời báo cáo Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp để báo cáo Hội đồng Bầu cử quốc gia (đối với đại biểu Quốc hội) hoặc thông báo với Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng (đối với đại biểu HĐND) xem xét, quyết định theo quy định.
         Thứ năm, tố cáo không giải quyết gồm: tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ; tố cáo có tên đã được cấp có thẩm quyền (do Điều lệ Đảng và Luật Tố cáo quy định) xem xét, kết luận, nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ việc; đơn tố cáo có tên nhưng không rõ nội dung, không chứa đựng, phản ánh nội dung tố cáo; đơn tố cáo không phải bản do người tố cáo trực tiếp ký tên; đơn tố cáo có từ hai người trở lên cùng ký tên; đơn tố cáo của người không có năng lực hành vi dân sự. Về khiếu nại, không giải quyết các trường hợp: quá thời hạn khiếu nại theo quy định; đang được cấp trên có thẩm quyền giải quyết; đã được cấp có thẩm quyền cao nhất xem xét, kết luận, quyết định.
           Thứ sáu, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và Nhà nước đối với hành vi lợi dụng tố cáo để xuyên tạc sự thật, vu khống nhằm gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, phá hoại bầu cử.
           Ngoài những nội dung chính trên đây, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử còn phải thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định về minh bạch, kê khai tài sản, thu nhập…
         Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đang đến gần. Để việc giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đúng quy định của pháp luật, nhiệm vụ đặt ra cho các các cấp ủy đảng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền là phải tập trung chỉ đạo làm rõ và giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp trước, trong và sau ngày bầu cử.

Nguyễn Huệ, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh

More