Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 885

  • Tổng 17.969.446

NGÀNH THANH TRA TỈNH TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Font size : A- A A+

            Luật Phòng chống tham nhũng (sau đây viết tắt là Luật PCTN) số 55/2005/QH11 năm 2015 của Quốc hội được sửa đổi, bổ sung bởi: Luật số 01/2007/QH11 ngày 4/8/2007 và Luật số 27/2012/QH13 ngày 23/11/2012. Theo Luật PCTN thì tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi và Luật đã xác định 12 hành vi tham nhũng chủ yếu. Điều 277, Bộ Luật Hình sự Việt Nam quy định người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.

          Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán khẳng định phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, thường xuyên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rỏ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; cũng cố lòng tin của nhân dân, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính. Đảng lãnh đạo chặt chẽ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức hành chính, kinh tế, hình sự…Vừa tích cực chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh, trong đó phòng ngừa là chính. Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm. Đảng chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo và áp dụng đồng bộ nhiều phương thức PCTN, lãng phí như: Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của Đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân; hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội; cải cách thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế giám sát; thực hiện thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thành lập cơ quan chuyên trách để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, lãng phí…
        Thanh tra Nhà nước trong phạm vi, quyền hạn của mình thực hiện và giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí của ngành Thanh tra tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực, quan trọng trên các mặt: góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chủ trương, chính sách, kế hoạch về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, lãng phí; phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phi…
Kể từ khi Luật PCTN ra đời, trong 10 năm qua (2005-2015) ngành Thanh tra tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và PCTN nhằm thực hiện có hiệu quả các giải pháp PCTN, lãng phí; Ngành đã tích cực bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và của Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước, sự hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội để xây dựng và tổ chức thực hiện thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhiều lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và những vấn đề bức xúc , dư luận xã hội quan tâm, nhất là công tác đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng đất đai, giao đất, giao rừng, tài chính, thuế, các chương trình mục tiêu quốc gia, văn hóa – xã hội…Trong 10 năm, đã thực hiện 1.488 cuộc thanh tra hành chính, 22.931 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 44.205 đơn vị, cá nhân và đã phát hiện, xử lý số tiền sai phạm trên 240 tỷ đồng, 182,5 ha đất…Trong đó, kiến nghị thu hồi cho Ngân sách Nhà nước 70,7 tỷ đồng và 182,5 ha đất. Xử phạt vi phạm hành chính 20,2 tỷ đồng, giảm trừ ngân sách trên 19 tỷ đồng, điều chinh bút toán 53,3 tỷ đồng, chấn chỉnh công tác quản lý 66,3 tỷ, buộc nộp BHXH 4,3 tỷ. Đã kiến nghị xử lý kỷ luật 459 tập thể, cá nhân và chuyển cơ quan điều tra, xử lý hình sự 3 vụ việc với 7 người. Kết quả thanh tra, kiểm tra không chỉ giúp các cấp các ngành chần chỉnh, rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước mà còn giúp hạn chế, phòng ngừa và xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, được cấp ủy, chính quyền và xã hội đồng tình, ủng hộ.
Thông qua công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại tố cáo ngành Thanh tra không những tham mưu làm tốt công tác quản lý Nhà nước mà còn góp phần phát hiện, xử lý tiêu cực, tham nhũng, lãng phí do các khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân. Trong 10 năm, ngành Thanh tra đã tham mưu tiếp 12.160 lượt công dân (trong đó có 22 đoàn đông người), tiếp nhận, xử lý 8.429 đơn khiếu nại, tố cáo và đã tham mưu giải quyết 3.868/3.966 vụ việc thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 97,5%. Riêng trong năm 2015, đã tham mưu tiếp 1.180 lượt công dân, xử lý 1.437 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị và đã giải quyết được 639/694 vụ việc thuộc thẩm quyền, đạt 92,1%. Qua giải quyết tố cáo cho thấy, nội dung tố cáo tập trung vào các lĩnh vực: Hành chính chiếm 41,2%, vi phạm pháp luật đất đai 26,7%, làm sai nguyên tác quản lý kinh tế, tài sản chiếm 15,6%, tham ô, tham nhũng 6,2% và tố cáo khác 10,3%. Đối tượng bị tố cáo tập trung vào: lãnh đạo cấp xã 31,3%, cán bộ nghiệp vụ: 22,8%, trưởng phó phòng cấp huyện: 19,6%, người lấn chiếm đất đai 12%, lãnh đạo cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước 11,5% và đối tượng khác 2,8%.
          Trong 10 năm, thông qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân đã phát hiện 8 vụ tham nhũng với 17 đối tượng, qua đó đã kiến nghị xử lý hành chính 5 vụ với 10 đối tượng, chuyển cơ quan điểu tra xử lý 3 vụ với 7 đối tượng, tổng số tiền thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra là 3,9 tỷ đồng, trong đó đã kiến nghị thu hồi cho Ngân sách Nhà nước 3,4 tỷ đồng.
Thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, các cấp các ngành đã ban hành, kế hoạch hành động thực hiện Luật PCTN, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tăng cường tuyên truyền, quán triệt, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước về PCTN gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Nghị quyết TW4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 3/1/2014 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 18, số 19, số 20 và Chỉ thị số 28 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong 10 năm, toàn tỉnh đã tổ chức 37.418 Hội nghị, tập huấn tuyên truyền về PCTN và công ước Liên hiệp về PCTN cho 768.415 lượt người, cấp phát 70.678 sách pháp luật, 1.114.051 tờ gấp và có 124.441 chuyên trang, chuyên mục trên báo, tạp chí, Đài PT-TH…
Thanh tra tỉnh đã phối hợp với Sở Nôi vụ, Sỏ Tài chính và các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công khai minh bạch trong hoạt động, xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, việc chuyển đổi vị trí công tác, cải cách hành chính, đổi mới công nghệ trong quản lý, việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập hàng năm…Ngành thanh tra đã tiến hành 432 cuộc thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật về PCTN, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho cán bộ, Đảng viên, công chức, nhất là người đứng đầu trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
         Bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, hiệu quả thấp, chưa đạt được mục tiêu của Đảng và chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. Một số tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về sự nguy hại, tính nghiêm trọng, cấp bách của tệ tham nhũng, lãng phí nên lãnh đạo không kiên quyết, thiếu kiểm tra, đôn đốc, còn nể nang, né tránh, dung túng, bao che cho tham nhũng, lãng phí; chưa dựa vào dân và chưa phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Một số chủ trương, giải pháp về PCTN, lãng phí chưa được thể chế hóa; một số quy định về công tác cán bộ, quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở, chưa đồng bộ, bất cập, chồng chéo, còn chung chung, hình thức và thiếu minh bạch, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, lãng phí. Nhiều quy định về định mức tiêu chuẩn, chế độ chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Việc chấp hành pháp luật, kỷ luật tài chính, quản lý, sử dụng tài sản công, xây dựng cơ bản, quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên…chưa nghiêm, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN, lãng phí hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu là tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức của cán bộ, Đảng viên và nhân dân về PCTN, lãnh phí. Kê khai tài sản còn hình thức, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ theo quy định còn ít và chưa nghiêm. Công tác cán bộ nói chung và việc quản lý, giáo dục cán bộ, Đảng viên, công chức nói riêng còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, Đảng viên thiếu gương mẫu, chưa đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí còn ít. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Số vụ tham nhũng được phát hiện, xử lý qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra còn ít. Tổ chức bộ máy, đội ngủ cán bộ, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của lực lượng chuyên trách PCTN chưa đáp ứng được yêu cầu…
        Dự báo trong những năm tới, tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất tinh vi và phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Sự nghiệp đổi mới nói chung và cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí nói riêng đang đòi hỏi ngành thanh tra tỉnh nhà cần phải đổi mới toàn diện về cả tổ chức cán bộ và hoạt động, có nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể và quyết liệt trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhân dân trong việc phòng chống tham nhũng, lãng phí nhằm góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân, vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.


                                                                                                                                                                                                                                                                                                                 Lê Minh Tuyên

Thanh tra viên Cao cấp - Chánh thanh tra tỉnh

More