Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 549

  • Tổng 17.961.084

Một số giải pháp hướng tới việc rút đơn trong quá trình giải quyết khiếu nại

Font size : A- A A+
       Luật Khiếu nại năm 2011 được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố có hiệu lực từ ngày 01-7-2012, nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác giải quyết khiếu nại, đáp ứng yêu cầu thực tiển, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế hiện nay. Đồng thời, đã khắc phục những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiển đặt ra của Luật khiếu nại, tố cáo ban hành năm 1998 và được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra trong giải quyết khiếu nại hiện nay cần hướng tới đó là: Việc rút đơn trong quá trình giải quyết của người khiếu nại nhưng, Luật Khiếu nại năm 2011, Nghị định 75/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều Luật Khiếu nại năm 2011chưa đề cấp cụ thể, cần thiết phải có các giải pháp thực hiện. 

         Báo cáo tổng kết các năm ( 2012 – 2014) và 9 tháng đầu năm 2015 thực hiện Luật Khiếu nại năm 2011, tại địa bàn tỉnh Quảng Bình, các cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền đã giải quyết 1057 vụ. Kết quả giải quyết khiếu nại cho thấy: Khiếu nại sai: 540 vụ, chiếm 51,1% (540/1057); Khiếu nại có đúng, có sai: 293 vụ, chiếm 27,7% ( 293/1057); Khiếu nại đúng: 224 vụ, chiếm 21,2% (224/1057) trong tổng số vụ, việc đã giải quyết.
        Rõ ràng, một thực tế cho thấy, tỷ lệ đơn khiếu nại sai hoàn toàn chiếm 51,1%; đơn khiếu nại có đúng, có sai chiếm 21,2%. Tổng số của hai loại đơn này chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số đơn khiếu nại đã giải quyết (72,3%). Nhưng, để có kết quả phản ảnh chất lượng nội dung khiếu nại như trên, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiến hành giải quyết khiếu nại đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Khiếu nại năm 2011. Nghĩa là các cấp, các ngành phải tập trung con người, điều kiện vật chất và thời gian, công sức cho việc giải quyết khiếu nại. Nhiều vụ, việc khiếu nại có nội dung phức tạp kéo dài, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành thì chi phí càng tốn kém hơn từ Ngân sách Nhà nước.
       Qua đánh giá, phân tích tình hình khiếu nại trên địa bàn tỉnh, đã tìm ra được một số nguyên nhân từ phía người khiếu nại dẫn đến khiếu nại sai, hoặc sai một phần. Đó là do hiểu biết về pháp luật nói chung và các chế độ chính sách nói riêng còn hạn chế dẫn đến phát sinh khiếu nại. Một số khác thì bị xúi dục, lôi kéo...của một số đối tượng bất mãn, bất đồng trong quản lý kinh tế, thực hiện dân chủ ở một số địa phư¬ơng, cơ quan, đơn vị…Vấn đề đặt ra ở đây là: Làm sao để người khiếu nại tự nhận thấy được nội dung khiếu nại của mình là sai, hoặc sai một phần để tự nguyện rút đơn trong quá trình giải quyết.
       Thực tế có nhiều vụ, việc khiếu nại trong quá trình xử lý đơn, xác minh giải quyết, qua phân tích, giải thích có tình, có lý, có tính thuyết phục, người khiếu nại nhận thức được vấn đề đã tự nguyện rút đơn. Như vụ khiếu nại kỳ thi tuyển thi công chức tỉnh năm 2010; vụ khiếu nại về đất đai tại xã Lộc Ninh năm 2012 và một số vụ điển hình khác.
       Tại Điều 10, Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: Người khiếu nại có thể rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại”. Quá trình khiếu nại bắt đầu từ khi có đủ căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp về quyền và lợi ích hợp pháp của mình viết đơn khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và kết thúc khi nhận được quyết định giải quyết. Còn quá trình giải quyết khiếu nại, được bắt đầu từ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thụ lý giải quyết khiếu nại cho đến khi ban hành quyết định giải quyết. Để người khiếu nại tự nguyện rút đơn khiếu nại khi biết minh khiếu nại sai trong thời gian tới, xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau:
      1. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại.
      Công tác tiếp dân và xử lý đơn khiếu nại của công dân kịp thời, chính xác và khoa học là một bước thẩm định nội dung khiếu nại của công dân. Nếu xử lý tốt đơn khiếu nại tại nơi tiếp công dân, phát hiện khiếu nại có nội dung sai, không có cơ sở, căn cứ pháp luật để giải quyết, cần giải thích để cho công dân hiểu, nhận thức đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó tự nguyện rút đơn. Đây chính là cái đích cần hướng tới của công tác tiếp dân, xử đơn khiếu nại của công dân.
      Thông qua công tác tiếp nhận và xử lý đơn, đã chuyển đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giảm bớt phiền hà, tốn thời gian và công sức đi lại của công dân. Tuy nhiên, thời gian qua công tác tiếp nhận và xử lý đơn mới chỉ dừng lại ở khâu: Phân loại và chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật, mà chưa thực hiện tốt nhiệm vụ: “Hướng dẫn, giải thích cho công dân về chính sách, pháp luật có liên quan đến nội dung yêu cầu của công dân ” ( Điều 62, Luật Khiếu nại năm 2011); chưa chủ động nghiên cứu phân tích nội dung đơn đúng, sai để có biện pháp hướng tới đích: rút đơn khiếu nại.
      Thực tế hiện nay, cán bộ tiếp công dân của một số địa phương, đơn vị chưa chuyên nghiệp, còn kiêm nhiệm, nhiều cán bộ chưa qua đào tạo cơ bản nên hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao, đơn khiếu nại gửi nhiều nơi, vượt cấp, khiếu nại không có cơ sở vẫn diễn ra. Cá biệt, còn một số lượng lớn đơn khiếu nại sai, các cơ quan nhà nước phải tốn công sức giải quyết. Để nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, các ngành, các cấp phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức về chính sách, pháp luật của Nhà nước, phẩm chất đạo đức và đặc biệt là văn hóa ứng xử cho cán bộ tiếp dân. Song song với việc đào tạo, bồi dưỡng, cần có chế độ chính sách thỏa đáng đối với cán bộ tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn để họ yên tâm công tác. Phải gắn công tác tiếp nhận và xử lý đơn với việc giải quyết khiếu nại. Đó là, tiếp nhận đơn khiếu nại, cán bộ xử lý phải nghiên cứu kỹ nội dung đơn, căn cứ vào chính sách, pháp luật của nhà nước và kiến thức thực tế để phân tích nội dung khiếu nại đúng, sai, từ đó giải thích có tình, có lý, có tính thuyết phục nhằm giúp người khiếu nại nhận thức được vấn đề để tự nguyện rút đơn khiếu nại. Đặc biệt, đối với khiếu nại lần 2, qua tiếp nhận, nghiên cứu hồ sơ, xét thấy việc giải quyết lần đầu là chính xác, khách quan, đúng pháp luật, cán bộ tiếp công dân cần giải thích, phân tích cụ thể, có tính thuyết phục cao để người khiếu nại thấy được và chấp hành quyết định giải quyết lần đầu. Được như vậy, không những các cơ quan hành chính nhà nước giảm các chi phí vật chất, thời gian, thủ tục giải quyết khiếu nại lần 2, mà hiệu lực quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 được tăng cường.
       2. Tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác xác minh nội dung khiếu nại.
Việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền được tiến hành theo trình tự, thủ tục nhất định (gọi tắt là quy trình giải quyết). Trong quy trình giải quyết, bắt buộc người thẩm tra, xác minh phải làm việc với người khiếu nại. Từ trước đến nay, bước làm việc với người khiếu nại thường yêu cầu người khiếu nại cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tức là yêu cầu người khiếu nại thực hiện các nghĩa vụ, mà ít khi nêu rõ các quyền của người khiếu nại theo luật định, để người khiếu nại biết và thực hiện, trong đó có quyền rút đơn khiếu nại ( Điều 12, Luật Khiếu nại năm 2011). Do đó, khối lượng lớn đơn khiếu nại có nội dung sai, hoặc sai một phần vẫn được các cơ quan hành chính nhà nước tiến hành các bước trình tự, thủ tục để giải quyết.
      Từ thực tế nêu trên, xác định vai trò của cán bộ được giao nhiệm vụ xác minh khiếu nại rất quan trọng. Bởi họ là những người tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ vụ, việc khiếu nại trước khi thi hành nhiệm vụ. Chính vì vậy, khi nghiên cứu nội dung khiếu nại ( cả khiếu nại lần đầu và khiếu nại lần 2), phát hiện thấy nội dung khiếu nại sai, không có cơ sở, thiếu căn cứ pháp lý thì tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến khiếu nại. Thông qua bước làm việc với người khiếu nại, phải nêu vấn đề để cho người khiếu nại thấy được tính chất, mức độ, phạm vi ảnh hưởng của việc khiếu nại; đồng thời phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người khiếu nại để có hướng giải quyết chính xác. Chọn thời điểm hợp lý, phân tích một cách khách quan, giải thích có tình, có lý cho người khiếu nại thấy được nội dung khiếu nại là không đúng, từ đó động viên, thuyết phục để người khiếu nại thực hiện quyền được rút đơn khiếu nại.
      Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm tra, xác minh nội dung khiếu nại, đòi hỏi cán bộ công chức nói chung, cán bộ thanh tra nói riêng, ngoài trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, kiến thức hiểu biết pháp luật, cần phải có tinh thần trách nhiệm cao, tận tâm, tận lực với công việc được giao và có bản lĩnh chính trị vững vàng. Mỗi cán bộ làm công tác thanh tra, xác minh vụ việc cần phải kết hợp giữa đạo tạo, bồi dưỡng với tự rèn luyện, phấn đấu; giữa không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn với tu dưỡng đạo đức phẩm chất cách mạng, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, để đáp ứng được yêu cầu của công tác giải quyết khiếu nại trong tình hình mới, xử lý mọi tình huống chính xác, khách quan, đúng pháp luật và có tình, có lý.
        3. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về pháp luật của công dân
        Sau khi Luật Khiếu nại năm 2011 được ban hành, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. UBND tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh phối hợp Sở Tư pháp xây dựng Kế hoạch, giao trách nhiệm cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Khiếu nại. Từ năm 2011 đến nay, các cấp, các ngành đã tổ chức nhiều Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Thực hiện các chuyên mục về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình. Bên cạnh đó, đã biên soạn và cấp phát hàng nghìn bộ tài liệu, tờ rơi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
        Tuy nhiên, qua đáng giá công tác công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và Luật Khiếu nại nói riêng trên địa bản tỉnh cho thấy, bên cạnh khả năng truyền đạt, phổ biến còn hạn chế của đội ngũ Báo cáo viên, việc truyên truyền đôi khi còn hình thức, chưa gắn với đời sống, lao động, phong tục tập quán của các điểm dân cư; nội dung chưa sâu, mới chỉ dừng lại phổ biến những quy định của Luật, còn các văn bản hướng dẫn Luật ít được chú trọng truyên truyền, phổ biến. Nội dung chưa phong phú, chưa hấp dẫn tạo ý thức, thói quen ham tìm hiểu pháp luật của người dân.
       Để việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đạt mục tiêu là hướng tới cơ sở, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Trước hết các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp phải thật sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về khiếu nại nói riêng trên địa bàn. Xây dựng được và có lộ trình thực hiện chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo xây dựng đội ngũ báo cáo viên, truyên truyền viên chuyên nghiệp, có trình độ hiểu biết về pháp luật, có kỷ năng và nghiệp vụ phổ biến. Đây chính là nhóm nòng cốt ở các khu dân cư. Đồng thời, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến; phải kết hợp nhiều kênh thông tin, lựa chọn hình thức, nội dung phải linh hoạt phù hợp với từng địa phương, từng nhóm đối tượng. Gắn công tác truyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với các hoạt động các chi hội cơ sở, sinh hoạt công đồng…. Các cấp, các ngành cần quan đầu tư kinh phí, trang thiết cơ sở vật chất đầy đủ cho công tác truyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Có cơ chế khen, thưởng kịp thời đối với tập thể, các nhân điển hình là điểm sáng chấp hành pháp luật trong công đồng dân cư; chấn chỉnh đối với các tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm. Chú trọng thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, nhằm từng bước nâng cao nhận thức về pháp luật cho cán bộ xã, phường, thị trấn, mà đặc biệt là đối với người dân để họ thấy được quyền và nghĩa vụ của mình trong khi thực hiện quyền khiếu nại.
      Để công dân nhận thức đúng, tự nguyện rút đơn khiếu nại trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại, cần chú trọng, triển khai áp dụng đồng bộ các nhóm giải pháp như đã nêu ở trên. Nhưng trong tất cả các giải pháp đó, yếu tố quan trọng nhất, chính yếu nhất vẫn là công tác bố trí cán bộ, bởi vì cán bộ tiếp nhận, xử lý đơn, xác minh giải quyết khiếu nại là những người trực tiếp làm việc, giải quyết các vấn đề với người dân, mỗi hành vi ứng xử, mỗi việc làm đều liên quan đến quyền và lợi ích của người dân. Nếu như cán bộ, công chức của chúng ta không tinh thông nghiệp vụ, chuyên môn, không có kiến thức hiểu biết sâu, rộng về chính sách, pháp luật của Nhà nước và kiến thức thực tiễn, phẩm chất chính trị, đạo đức tác phong không tốt thì còn gây phiền hà cho dân; còn máy móc, rập khuôn còn gây lãng phí về thời gian, kinh phí của Nhà nước cho việc giải quyết các khiếu nại sai như đã nêu trên. Như chúng ta biết, trong giai đoạn hiện nay, thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thiếu vốn ta có thể vay được, công nghệ lạc hậu ta có thể mua để chuyển đổi, thiếu chuyên gia ta có thể thuê để làm việc, nhưng riêng lực lượng cán bộ, công chức trực tiếp làm việc trong nền công vụ thì không thể thuê hay mua được. Chính vì vậy, ngoài sự nổ lực cố gắng rèn luyện, tu dưỡng của mỗi một cán bộ, công chức, Lãnh đạo các cấp, các ngành cần phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, về trình độ lý luận chính trị, về đạo đức nghề nghiệp để chuẩn hóa cán bộ, công chức nói chung, cán bộ công chức thực hiện công tác tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn, xác minh khiếu nại nói riêng đảm bảo vừa Hồng, vừa Chuyên, vừa có Tâm vừa có Tầm để quá trình xử lý đơn, giải quyết khiếu nại luôn hướng tới việc người khiếu nại tự nguyện rút đơn khi nhận thức được khiếu nại sai.

 

Văn Ước
 

More