Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 1062

  • Tổng 17.928.030

Tin Demo - Vai trò của phòng chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Theo quy định pháp luật thanh tra hiện hành, mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục và giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Điều đó có nghĩa rằng yêu cầu trước hết đặt ra cho ngành thanh tra nói chung và cho hoạt động thanh tra nói riêng là phải đưa ra những kiến nghị về những vấn đề vĩ mô, về cơ chế chính sách, phát hiện những nguyên nhân từ cơ chế chinh sách dẫn đến các sai phạm hay sự cản trở việc thể chế hoá các quan điểm tư tưởng đối mới toàn diện đất nước.
Do vậy, trong quá trình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, các cơ quan quản lý Nhà nước nhất thiết phải tiến hành hoạt động thanh tra đối với việc thực hiện các quyết định mà mình đã ban hành. Đó là một khâu không thể thiếu được trong quá trình hoạt động quản lý Nhà nước.
Để đảm bảo hiệu quả hoạt động thanh tra, thì phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực này có vai trò quan trọng, then chốt đảm bảo cho hoạt động thanh tra được phản ánh và đánh giá những đóng góp của nó trong toàn bộ chu trình của hoạt động quản lý và tác động, ảnh hưởng của nó đối với mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, cũng như phản ánh việc tuân thủ một cách nghiêm túc trong quá trình hoạt động thanh tra.
Để đánh giá được hiệu quả phòng ngừa và phát hiện tham nhũng trong hoạt động thanh tra, cần xem xét các giải pháp được thể hiện bằng các biện pháp phòng ngừa và phát hiện tham nhũng cụ thể trong hoạt động thanh tra.
Trong hoạt động thanh tra, các biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng có thể nhóm thành các vấn đề cụ thể sau:
1. Nhóm biện pháp phòng ngừa tham nhũng
1.1. Công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra
Công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra là biện pháp rất quan trọng để phòng ngừa tham nhũng. Công khai minh bạch sẽ tạo điều kiện để đối tượng thanh tra, bên liên quan và cơ quan có thẩm tham gia giám sát hoạt động thanh tra. Với việc công khai minh bạch trong hoạt động thanh tra, đối tượng thanh tra  dễ dàng ý thức được các quyền và nghĩa vụ của mình để chủ động thực hiện theo các quy định của pháp luật, đồng thời cũng đòi hỏi cơ quan, người thực hiện hoạt động thanh tra thực hiện các quy định của pháp luật. Công khai, minh bạch sẽ làm cho các bên tham gia hoạt động thanh tra có ý thức hơn trong việc thực hiện chức trách công vụ của mình theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật quy định. Bởi vì mọi hành vi vi phạm, phiền hà sách nhiễu hay lợi dụng chức trách mà tư lợi đều có thể bị phát hiện và xử lý.
Biện pháp này bảo đảm cho người dân có quyền tiếp cận thông tin về hoạt động thanh tra theo quy định pháp luật; trách nhiệm của cơ quan tổ chức trong việc cung cấp hoặc trả lời yêu cầu của đối tượng thanh tra, bên liên quan về thông tin liên quan đến trách nhiệm của mình. Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của các bên liên quan trong quá trình hoạt động thanh tra có tác dụng to lớn trong việc bảo đảm sự trong sạch của hoạt động thanh tra, sự liêm chính của người thực hiện hoạt động thanh tra.
1.2. Tuân thủ quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của người thực hiện hoạt động thanh tra.
Bản chất của tham nhũng là lợi dụng quyền lực công để mưu lợi cá nhân. Người ta có thể đạt được tham vọng bằng nhiều cách khác nhau nhưng chỉ có thực hiện tham vọng đó bằng những hành vi bất hợp pháp thông qua hoạt động công quyền thì mới bị coi là tham nhũng.
Vì vậy, trong lĩnh vực quản lý nhà nước nói chung và trong hoạt động thanh tra nói riêng, phòng, chống tham nhũng không có cách gì tốt hơn là tăng cường kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, cụ thể là tác động vào đội ngũ những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong chừng mực nào đó xét đến những quan hệ xã hội của họ, những quan hệ có nguy cơ bị lợi dụng và nảy sinh tham nhũng.
1.3. Trách nhiệm giải trình của người thực hiện hoạt động thanh tra.
Thực tiễn tổng kết hoạt động thanh tra cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả phòng, ngừa tham nhũng trong lĩnh vực này còn chưa rõ nét là chưa đề cao trách nhiệm giải trình của người được giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động thanh tra.
Trách nhiệm giải trình là khả năng yêu cầu cán bộ, công chức nhà nước phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Theo đó, cơ quan nhà nước; cán bộ, công chức nhà nước, phải có trách nhiệm thực thi công việc được giao đạt kết quả và phải chịu hậu quả khi chưa làm tròn trách nhiệm. Trách nhiệm giải trình bao gồm hai nội dung: năng lực giải trình và chịu trách nhiệm trước hậu quả xảy ra. Năng lực giải trình đòi hỏi cán bộ, công chức nhà nước phải có năng lực giải đáp, thuyết minh, giải thích để làm sáng tỏ các vấn đề thuộc về trách nhiệm của mình như thế nào. Nội dung thứ hai của trách nhiệm giải trình buộc cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức phải nhận và chịu trách nhiệm cá nhân trước những hậu quả xảy ra khi thực thi nhiệm vụ, công vụ.
1.4. Tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống và nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm
Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng, mang tính cơ bản lâu dài được Đảng và Nhà nước ta coi trọng kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” và ban hành Luật phòng, chống tham nhũng. Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ góp phần giúp người được giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động thanh tra có nhận thức thống nhất và đầy đủ về những tác động tiêu cực của tham nhũng đối với sự phát triển đất nước nói chung, đối với đạo đức, công lý và công bằng xã hội nói riêng.
2. Nhóm biện pháp phát hiện tham nhũng
2.1. Phát hiện tham nhũng thông qua công tác giám sát hoạt động thanh tra
Giám sát hoạt động thanh tra là một khâu không thể thiếu trong hoạt động thanh tra. Các hành vi tham nhũng có thể diễn ra trong quá trình thực hiện từng giai đoạn hoạt động thanh tra. Vì vậy, công tác giám sát có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện các vụ việc tham nhũng. Vì vậy, việc giám sát nội bộ hoạt động thanh tra cần phải nắm rõ các quy trình thủ tục thực hiện công vụ và xác định những khâu nào trong quy trình công tác, bộ phận nào trong hoạt động thanh tra có nguy cơ xảy ra tham nhũng.
2.2. Tố cáo và giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng
Tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và Luật khiếu nại, tố cáo ghi nhận. Luật Phòng, chống tham nhũng quy định công dân có quyền tố cáo hành vi tham nhũng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và những người có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết tố cáo của công dân đối với hành vi tham nhũng. Đặc biệt Luật nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ người tố cáo khỏi sự đe doạ trả thù, trù dập. Đây là vấn đề rất quan trọng vì trong nhiều trường hợp, người bị tố cáo là những người có chức vụ quyền hạn, thậm chí giữ chức vụ, quyền hạn rất cao nên họ có nhiều cách để trả thù người tố cáo hoặc trù dập, bưng bít sự việc mà người tố cáo phát hiện cho nhà nước. Ngoài ra, để ngăn chặn kịp thời hành vi tham nhũng trong hoạt động thanh tra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình phải tạo điều kiện, cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, hạn chế thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra./.   
Hoàng Hải
Nguồn: thanhtravietnam.vn (29/10/2013)